Tôi tự cảm thấy may mắn và xen chút tự hào về việc học của tôi. Chẳng phải vì việc học trường chuyên của huyện hay của tỉnh. Cũng chẳng phải điểm chác không đến nỗi tồi trong các kỳ thi gọi-là-quan-trọng. Mà bởi vì tôi vẫn giữ được cho mình những câu hỏi: "tại sao" và "tại sao" của một đứa trẻ. Dù rằng chẳng được "hoàn hảo" như một đứa trẻ thực thụ.
Tôi luôn...à mà không phải, cũng chưa được đến sự "luôn"...tôi "thường" thì đúng hơn. Tôi thường đặt câu hỏi cho những điều kỳ lạ mà người khác làm được, tự hỏi "tại sao" về những điều mình chưa biết và chưa làm được. Và cũng luôn hỏi những người xung quanh tôi hàng loạt câu hỏi "tại sao nó thế này?", "tại sao họ lại làm được như vậy?" "tại sao không phải thế này?", "Bản chất của cái này là gì nhỉ?".....Điều đó giúp tôi có được hứng thú và hưng phấn để đi tìm câu trả lời hoặc chí ít là không cảm thấy đau khổ trên con đường tìm hiểu thêm về điều mà mình chưa biết đó. Dù rằng đến trên 90% câu hỏi đó của tôi chẳng có câu trả lời.
Cái sự học đó giúp tôi thấy vui với điều lạ, thấy thích khi gặp điều gì gây trở ngại cho mình (phần lớn là vậy). Tôi thích điều đó, nó giúp tôi làm bạn với những vướng mắc hơn là buông xuôi chịu đựng trong thân thể của của một kẻ nô lệ cho kiến thức. Điều đó cũng giúp tôi mang đến sự tự do trong suy nghĩ của mình nhiều hơn, tự do trong cách mình làm nhiều hơn. Tôi thấy bản thân ngày càng tăng trưởng nhiều về tư duy mỗi khi ĐƯỢC đặt câu hỏi, tăng trưởng về cảm xúc mỗi khi những câu hỏi đó xuất hiện trong đầu.
Hummm, nói vậy thì cũng nhạt nhỉ? Kể minh họa về sự tự do trong suy nghĩ của mình nhé.
Sự tự do mà tôi cảm thấy sung sướng cực kỳ trong suốt từ năm nhất đến nay có lẽ là bài thi cuối kỳ của môn cuối cùng trong năm 2. Môn Lịch sử của các học thuyết kinh tế. Tôi thích học môn đó, chẳng phải vì cái kiến thức sách vở của môn đó, mà bởi cách thầy giáo dẫn dắt kiến thức đó cho tôi gắn liền với thực tế. Nó khiến tôi có cảm xúc nhiều hơn bất cứ môn nào tôi đã học trong môi trường đại học. Ấy vậy mà khi thi hết môn đó, tôi lại ghét cay ghét đắng cái đề bài. Chẳng khác quái nào cái bài kiểm tra lịch sử tôi học hồi phổ thông. Chỉ ghi nhớ và ghi nhớ. Một cái đề bài bắt sinh viên nêu cái định nghĩa "chết tiệt" được ghi rõ mồn một trong cuốn giáo trình và cái ý nghĩa của nó về việc tác động tới vấn nạn thất nghiệp.
Tôi quyết định không làm đúng cái đề bài đó yêu cầu. Thay vào đó viết toàn bộ suy nghĩ của mình, toàn bộ cảm xúc sung sướng và thích thú của mình về việc được học cái lớp đó của thầy. Những suy nghĩ về nền giáo dục biến học sinh và sinh viên trở thành một con mọt sách chỉ biết học thuộc lòng, chỉ biết đến cái lý thuyết mơ hồ đến viễn vông. Nói chính xác hơn thì biến người học trở thành một con robot chỉ biết tua lại trong sách vở ra thì đúng hơn. Và chính sự giáo dục đó là điều cốt lõi sinh ra cái vấn nạn tốt nghiệp.
Tôi cảm thấy thích thú và sướng khi ĐƯỢC viết đúng những suy nghĩ của bản thân, chẳng bị nỗi sợ hãi điểm kém hay trượt môn chi phối. Được bộc lộ những điều mình muốn bày tỏ, bộ lộ những quan điểm của mình chứ không phải của sách hay của người khác. Ấy vậy mà may mắn thay môn đó tôi lại qua môn. Vui.
0 comments:
Post a Comment