Chap V: Câu nói quyết định cuộc đời.
Tôi trở lại với những ngày tháng chỉ biết lên trường điểm danh và về phòng trọ. “Tam giác vàng” đặc trưng của phần lớn sinh viên lại hiện trong tôi: “Trường-Chợ-Trọ”. Cái cuộc sống tẻ nhạt và ngột ngạt như ban đầu khiến tôi càng bức bí hơn trước. Tôi càng bất mãn với cuộc sống này hơn, bất mãn với cách học và cách dạy của trường đại học và bất mãn với cả cái suy nghĩ chỉ học trên trường để kiếm tấm bằng rồi xin việc. Những ngày tháng tiếp theo ở trường, tôi bỏ tiết những môn tẻ nhạt ở lớp để chạy lang thang khắp 12 tầng của tòa nhà A. Thỉnh thoảng lại trà trộn vào những lớp môn học của năm 3, năm 4 trên xem nó có thú vị hơn không. Nhưng nó cũng chẳng khá khẩm hơn. Vẫn những giờ học nhạt nhẽo và vô vị. Vẫn cái cách dạy giáo viên nói ở trên với những học thuật khó hiểu, những cái lý thuyết viển vông từ trên trời hay mang tầm vĩ mô đến vận mệnh kinh tế đất nước. Và hơn hết, vẫn cái đặc trưng của của sinh viên:Lướt web, chơi game, tán phét về những đồ hàng hiệu mới mua, về những môn học thiếu mất 0.1, 0.2 điểm và thậm chí cả …ngủ mê mệt trên bàn. Họ mặc kệ thầy cô giáo giảng bên trên đang nói gì không cần biết, cứ hết giờ lại nhấc mông lên và cắp sách về nhà.
Những ngày trà trộn vào những lớp học của năm 3,năm cuối càng làm tôi suy nghĩ nhiều về cuộc sống của mình 4 năm sau sẽ như thế nào nếu cứ đi tiếp theo con đường này. Tôi suy nghĩ nhiều cả trên đường đi, cả lúc ngồi vẩn vơ ở ghế đá và kể cả những lúc đang ăn. Nhưng mọi thứ cứ mù mịt, con đường tương lai phía trước bỗng tối sầm lại với tôi khi nghĩ đến những cảnh tượng “học” của anh chị năm 3, năm cuối mà tôi trà trộn vào các lớp học đó. Tôi tự hỏi: “Mày liệu sẽ làm được cái quái gì cho đời nếu cứ học theo kiểu chỉ biết trên trường như thế này?”. Cái câu hỏi đó cứ quanh quẩn trong đầu tôi mà chẳng có được câu trả lời. Và may mắn cho tôi, khi cái sự bất mãn, chán nản với kiểu học đó và khát khao được thay đổi của tôi lớn hơn bao giờ hết tôi được gặp một anh K44 trường tôi. Một anh cựu sinh viên hơn tôi 7 tuổi với tấm bằng loại giỏi của FTU.
Tôi gặp anh trong một đi ăn cơm quán bình dân ở gần trường. Như một sự tình cờ, anh thấy dây đeo đỏ đặc trưng FTU và hỏi tôi học khóa mấy ở trường. Hai anh em trò chuyện về chuyện học hành của tôi và anh ngày xư. Anh kể về thời huy hoàng của những năm học phổ thông và đại học. Với những thành tích đáng nể của thi quốc gia và tấm bằng loại giỏi của ngôi trường danh giá. Nhưng mỗi lúc kể anh lại thở dài và tỏ về hối tiếc. Tôi ngạc nhiên với hành động đó của anh. Một tấm bằng loại giỏi, điều đó là thứ mà bao sinh viên và phụ huynh mong muốn mà, tại sao anh lại hối tiếc như vậy?. Tôi hỏi anh với những câu hỏi tại sao đó. Và tôi càng sock hơn khi nghe những tâm sự và lời khuyên của một người anh đi trước:
“Anh thấy hối tiếc về những năm tháng sinh viên của mình, hối tiếc vì cái suy nghĩ chỉ biết học và chăm chăm sao cho từng mộn, từng môn một ở trường đều đạt được điểm cao để ra trường có một tấm bằng tốt. Giá như anh được chọn lại thì anh đã không làm thế”.
Tôi mở tròn con mắt với sự ngạc nhiên đến bất ngờ.Không thể lý giải tại sao vậy, tôi chỉ biết chăm chú nghe những lời anh nói.
“Ra trường anh mới nhận ra một điều rằng: mình còn thiếu quá nhiều thứ. Từ cách giao tiếp, cách quản lý tài chính cá nhân cho đến những công việc đơn giản nhất của một bản cân đối kế toán. Những năm tháng chỉ biết trên trường học và học, suốt ngày tháng chỉ biết lo nghĩ đến những môn học, những kì thi hết môn và những câu than thở khi thiếu 0.1, 0.2 điểm, không ra ngoài học ở trường đời khiến cho anh chỉ có được là một sự ảo tưởng về năng lực của mình, ảo tưởng về cái vỏ bọc sáng loáng bên ngoài của mình. Họ thật giỏi, giỏi gấp ngàn lần anh, những người mà thậm chí chỉ học những ngôi trường cao đẳng và trung cấp nhưng họ có một tầm suy nghĩ vượt trội hơn anh”.
Những câu nói của một cựu sinh viên, hình tượng một người mà ba mẹ tôi đang hướng tới đang ở trước mặt tôi. Tôi sẽ như thế này đây, sẽ như anh cựu sinh viên này đây nếu cứ tiếp tục theo lối mòn đó.
“Chú còn kịp để sửa lỗi. Những năm tháng sinh viên này hãy ra ngoài và học hỏi càng nhiều càng tốt. Đừng chỉ chăm chăm với sự học trên trường và kiếm một tấm bằng loại giỏi. Tất nhiên tấm bằng giỏi nó cũng sẽ tốt thôi nhưng nếu có nó trong tay mà chú không có được những điều thực tế ngoài đời thì chú sẽ chật vật đó.Cái chú cần bây giờ đó là tiếng anh và những kĩ năng sống. Đó mới là những thứ sẽ giúp chú sau này nhiều hơn”.
Tôi cứ suy nghĩ mãi về cuộc trò chuyện đó của tôi và anh cựu sinh viên. “Mày định sẽ tiếp tục con đường như vậy hay sao?”“ Mày phải lựa chọn một con đường đúng đắn cho bản thân, một lối thoát đi và đừng đi theo một lối mòn mà nhiều người đang đi”. Những câu nói đó cứ thúc giục tôi khiến cho cái đầu tôi ong ong như một vỡ tung ra. Tôi về nhà mở mạng xem những bài báo về nạn thất nghiệp. Hơn 150 ngàn cử nhân mới ra trường thất nghiệp. 150 ngàn cử nhân đó, 150 ngàn- một con số quá kinh khủng cho một thằng sinh viên của năm nhất.
“Mày phải thay đổi, phải tự quyết định cho tương lai của mày. Có thể những năm tháng sinh viên này mày sẽ làm ba mẹ buồn. Nhưng điều đó sẽ còn tốt đẹp hơn với việc mày làm ba mẹ buồn những năm tháng sau này. Ba mẹ đã nuôi mày vất vả gần 20 năm rồi, mày định ra trường lại làm khổ ba mẹ với những khoản tiền lớn để xin việc ư?”.
Và tôi đã thực sự mạnh dạn quyết định theo cái suy nghĩ của mình, chọn một lối đi cho mình và không làm theo những gì ba mẹ mong muốn khi đọc được một câu:
“Tuổi trẻ được phép mắc sai lầm. Đừng sợ, sai lầm thật sự chỉ là khi bạn mắc sai lầm đó lần 2. Hãy bước ra khỏi vùng an toàn để được mắc sai lầm của tuổi trẻ”
Cái câu nói đó đã quyết định một ngã rẽ khác cho tôi. Một ngã rẽ cho sự trưởng thành bùng nổ của năm 2.
Chap VI: Năm 2 trưởng thành.
0 comments:
Post a Comment