Tôi chợt nhớ lại hồi đầu năm lớp 10, thầy hiệu trưởng trường tôi có nói với lớp tôi "chân lý" làm tôi nhớ mãi: "Lớp 10 thầy dạy trò, lớp 11 thầy học cùng trò và lớp 12 thầy ngồi nghe trò dạy"
Có lẽ với độ tuổi non nớt mới bước qua quãng thời gian THCS được vài tháng thì khi nghe thầy nói vậy, trong đầu mỗi đứa học sinh chúng tôi cảm thấy choáng váng xen lẫn sự hoang đường về câu nói đó của thầy hiệu trường. Ai đời một người thầy giáo học vị bao nhiêu năm, qua 4 năm sư phạm kết hợp với một cơ số năm kinh nghiệm không ít lại phải học cùng hay thậm chí ngồi nghe mấy "đứa học sinh" kiến thức như đứa trẻ "vắt mũi chưa sạch" dạy cơ chứ??? Hoang đường, quá hoang đường !!!
Nhưng quả thật khi trải qua rồi tôi mới ngẫm lại rằng: câu nói đó chẳng có gì mà hoang đường cả. Tại sao không thể cơ chứ?. Chúng ta khi học trên lớp vô hình chung tự quan niêm một điều rằng: mình KHÔNG BAO CÓ THỂ biết được hơn thầy cô cả. Và nhưng điều thầy cô nói ra LÀ PHẢI ĐÚNG. Từ những quan niệm sai lầm đó, chúng ta tự biến mình trở thành con robot biết học mà chẳng phải con người biết học và người lập trình là những người thầy cô giáo của mình. Chúng ta luôn dập khuôn mọi kiến thức, mọi phương pháp của thầy cô giáo dạy, không tự mình chủ động sáng tạo ra, không tự mình DÁM phá cái dập khuôn đó. Lý do ngớ ngẩn mà bạn nghĩ: làm khác thầy cô hướng dẫn là CHẮC CHẮN SẼ SAI.
Bỗng dưng nó tạo cho bản thân một tâm lý không dám đưa ra quan điểm riêng của mình, không dám đặt niềm tin vào những quan điểm đó của mình. Để rồi tình cờ khi giảng dạy thầy cô giáo vô tình đưa ra điều sai hiển nhiên mà bạn thấy sai, nhưng tôi tin chắc bạn sẽ chẳng dám đứng lên hô to: THƯA THẦY, THẦY GIẢNG SAI RỒI Ạ!!! mà bạn chỉ dám hỏi đứa bên cạnh: "Hình như thầy giảng sai phải không mày nhỉ??".
Chính những điều đó làm bản thân ta mất dần đi tư duy phản biện, không dám thắc mắc những câu hỏi "tại sao", "sao không phải như thế kia mà lại như thế này?". Chúng ta tự biến mình thành những kẻ chỉ biết gật, gật và gật khi thầy giáo giảng, không biết lắc đầu hay vò đầu suy nghĩ khi mình không hiểu.
Dần dần nó tạo cho bạn một thói quen - thói quen thụ động. Phụ thuộc quá nhiều vào người khác, không tự mình chủ động làm từ những việc đơn giản nhất. Có lần tôi đã bực mình khi giảng một bài toán cho đứa em, nó như một cỗ máy vậy, bảo đến đâu thì chỉ biết làm đến vậy. Tôi bỗng dừng lại và hỏi nó: "Sao không làm tiếp được"? Nó thốt lên: "Dạng bài này thầy giáo em không dạy theo cách này". Vậy đó, cái cách học quá phụ thuộc vào thầy cô giáo đã tự "giết" đi tính sáng tạo của ta. Thầy cô giáo không thể cái gì cũng có thể dạy cho chúng ta hết được, chỉ đơn thuần có thể giúp ta tạo nền tảng để từ đó ta như quân bài Đôminô vậy. Phải biết từ quân bài Đôminô ban đầu là nền tảng ta được ban cho đó mà tự bản thân mình tìm cách xô đổ những quân bài tiếp theo. Tự mình khám phá ra những điều mới mẻ tiếp theo của ta.
Bởi vậy, xin gửi tới các em đang học phổ thông: Hãy phá bỏ cái cách học dập khuôn đi, xin đừng biến bản thân thành con robot nữa.
1 comments:
like (Y)
Post a Comment