Cụ Tứ năm nay đã ngoài cái tuổi mà người ta gọi là “bát thập đắc hi hỉ, cửu thập siêu thọ”. Ấy vậy mà cụ vẫn minh mẫn lắm, ngày ngày vẫn chống gậy với đôi lưng còng mang vài bó rau, cọng cỏ ra chợ bán.
Cuộc đời cụ có lẽ thật lắm gian truân và đầy kí ức buồn vì bom đạn. Chiến tranh đã cướp đi tất cả những người thân yêu của cụ. Người chồng theo tiếng gọi của tổ quốc, khoác balo lên đường khi đứa con trai thứ hai vẫn chưa kịp chào đời. Rồi chồng cụ hi sinh trong trận đánh với bọn Pháp năm 54. Hồi đó khi nhận được tin báo tử của chồng, cậu con trai thứ hai của cụ vẫn chưa kịp cai sữa, cậu lớn thì mới tròn 3 tuổi, mới chập chững biết đi. Cụ phải gắng gượng nỗi đau, gạt bỏ nước mắt vì mất chồng để làm điểm tựa cho hai đứa con nhỏ. Cụ bươn trải đủ loại nghề, từ nhặt vỏ lon, đan cái rổ, cái mẹt cho đến việc gánh hàng rong đi bộ gần 20 cây số mỗi ngày ra tận chợ Bưởi để bán cho được giá.
Rồi cuộc đời cũng chẳng tha cho cụ, năm 71, khi cậu con trai lớn của cụ lại theo tiếng gọi của tổ quốc ra chiến trường vừa tròn 20 xuân xanh. 2 năm sau cậu út cũng khoác balo lên đường nhập ngũ, để lại cụ bơ vơ nơi quê nhà một mình. Ngày đưa tiễn con trai út lên đường ra chiến trường, cụ cứ chạy với theo con tàu vừa vẫy tay vừa gào khóc lên: “Con ơi, nhớ về với mẹ nhé con ơi, mẹ đợi các con trở về”. Những ngày tháng sau đó, cứ mỗi chiều chiều cụ lại ra ngõ, ra cái ủy ban để ngó xem hai cậu con trai có gửi thư về không. Mỗi đợt vài ba tháng cụ mới nhận được bức thư của một trong hai cậu con trai, lúc cậu cả, lúc thì cậu út gửi báo: ở chiến trường con vẫn tốt, chiến tranh sắp qua rồi, mẹ đợi con về sẽ dựng cho mẹ ngôi nhà tốt hơn để tránh mưa, tránh gió những lúc bão bùng.
Nhưng ông trời cũng chẳng chịu cảm thương cho tấm thân khổ hạnh bao năm nuôi con của cụ. Gần 3 năm sau khi cậu út đi, cụ nhận được giấy báo tử của đứa con trai lớn của cụ đã hi sinh tại chiến trường Quảng Trị trong trận đánh chiến ác liệt với lính Mỹ. Tưởng rằng cái ngày đoàn tụ với những người con gần đến khi hòa bình sắp được thiết lập thì cái hung tin đó như một vết dao đâm vào tim cụ lần 2. Ngày nhận được giấy báo tử của đứa con trai cả, cụ như chết lặng và khóc cạn nước mắt vì thương xót con. Cụ kêu gào lên vì nỗi đau ngày mất chồng giờ lại hiện về trong tâm trí cụ. Những ngày sau đó, cụ như người mất hồn vậy, luôn cầm trên tay những bức ảnh và bức thư của cậu con trai cả gửi trong những năm tháng trước đó. Cụ cứ cầm nó đọc và khóc gọi tên con.
Rồi khi chiến thắng năm 75 đến, hòa bình được thiết lập trên toàn cõi Việt Nam. Cụ chờ đón cậu con trai út về đoàn tụ. Ngày cậu con trai út trở về, nỗi đau mất cậu cả cũng vơi bớt đi đôi phần trong cụ. Cụ mừng rỡ vì được gặp lại con trai mình sau những năm tháng xa cách vì chiến tranh. Cụ ôm chầm chặt lấy con, đưa đôi tây gầy gò ngăm đen lên để sờ toàn khuôn mặt người con trai út của mình. Cụ khóc, lần này cụ khóc vì người con trai út đã trở về với mình, khóc vì lần này không phải nhận cái giấy như tờ giấy từ ủy ban xã gửi tới ngày nào.
Nhưng đời lắm đắng cay, ông trời dường như vẫn muốn dày vò cuộc đời của cụ, không muốn cụ hưởng trọn vẹn giây phút đoàn tụ với đứa con trai còn lại của mình thì phải. Chưa đầy 1 năm sau khi trở về, cậu út lại nhận được lệnh từ cấp trên báo xuống. Cậu lại khoác ba lô lên chiến trường biên giới Tây-Nam với quân Khmer Đỏ. Ngày cậu út khóa ba lô ra đi lần 2, cụ khóc đau đớn và líu kéo con như không muốn con tiếp tục lên đường.
Ngày đoàn tụ chưa được lâu, cụ lại phải xa rời nó để tiếp tục chuỗi ngày cô độc một mình nơi căn nhà. Ngày ngày cụ thắp hương cầu khấn con trai út mau trở về trở về với mình. Và ngày đau khổ nhất với cụ cũng đến gần 2 năm sau đó: giấy báo tử của người con trai thứ hai được gửi về cho cụ. Lần này cụ đau đớn và chẳng thế khóc được nữa. Nỗi đau mất chồng, mất con trai lớn dường như đã rút cạn nước mắt của người đàn bà một thời vật lộn với cuộc sống để nuôi con khôn lớn. Bao năm vất vả nuôi con, và rồi bom đạn, chiến tranh đã cướp đi tất cả của cụ, cướp đi cái hi vọng nhỏ nhoi duy nhất của cụ. Chẳng còn ai để cho cụ nương thân sau này nữa.
Hơn 20 năm sau, cụ được nhà nước phong tặng danh hiệu: Bà mẹ Việt Nam anh hùng.. Cán bộ xã về tặng quà, trao danh hiệu, cụ đuổi hết. Cụ cũng chẳng màng tới cái danh đó. Nó như gợi lại những nỗi đau tận cùng trong cụ. Ngày cán bộ huyện về định xây ngôi nhà mới cho cụ nhưng cụ cũng đuổi đi bằng sạch. Cụ không cho phá ngôi nhà đã giữ bao kỉ niệm của người chồng, người con của cụ. Cụ cứ vậy sống và tự chăm sóc lẫn bản thân mình trong căn nhà nhà xưa cũ đó.
Có lần người ta bảo cụ rằng: sao không nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đó để cho nhà nước chăm sóc, lại khổ sở tự chăm sóc bản thân mình vậy. Cụ đáp lại: Tôi thà chẳng mong thành người mẹ có đức hi sinh vì tổ quốc để giờ mất cả chồng lẫn con còn hơn. Mẹ Việt Nam anh hùng cái khỉ gì, để chúng nó vác cái thân già này lên tặng thưởng trên nỗi đau của già này à. Để cho cái thân già này yên ổn là tốt rồi, đừng có phong với tặng nữa.”
0 comments:
Post a Comment